Giới thiệu về nhà trường


 

Trường Tiểu học Xuân Sơn nằm ở trung tâm xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích là 11.053m2. Năm học 2012 - 2013, trường có 30 cán bộ giáo viên và tổng số 417 học sinh được chia thành 17 lớp. Trường được tách ra từ trường PTCS Xuân Sơn năm 1993. Từ khi tách trường đến năm 2001, trường Tiểu học Xuân Sơn liên tục được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc cấp huyện, cấp tỉnh. Trường có tập thể cán bộ giáo viên luôn đoàn kết nhất trí, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức cao và tinh thần trách nhiệm, trường có chất lượng giáo dục toàn diện vững chắc, có cơ sở vật chất tốt, được nhân dân địa phương đánh giá là trung tâm văn hoá, khoa học  kĩ thuật và được Bộ, Sở, Phòng giáo dục đánh giá là môi trường giáo dục lành mạnh.

               Xuân Sơn là một xã thuần nông, nằm trong vùng địch kiểm soát nên đời sống kinh tế rất khó khăn, nghèo đói. Trên 98% nông dân không biết chữ nhưng lại có truyền thống yêu nước. Do vậy nhiều người đã đi theo kháng chiến, theo cách mạng giải phóng đất nước. Phong trào du kích phát triển, làm tốt công tác giữ làng, chống càn có nhiều gương dũng cảm vì quê hương, đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân Xuân Sơn đã dấy lên phong trào người biết chữ dạy người không biết chữ ở các gia đình, các nhóm học, ở các hội cứu quốc, đội du kích…không kể lứa tuổi, giới tính…Do vậy, số người đi học, biết đọc, biết viết, biết tính toán ngày càng đông.

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng CNXH trên nền tảng của một nước nửa tư bản, nửa phong kiến, miền Nam tiếp tục đấu tranh để giải phóng, thống nhất đất nước nên kinh tế, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1964, giặc Mỹ leo thang tấn công miền Bắc. Do vậy, cả nước đều đánh Mỹ, miền Bắc vừa xây dựng CNXH vừa đánh Mỹ và chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Miền Nam kiên cường đánh Mỹ, Ngụy, mong muốn giải phóng. Do vậy, kinh tế, đời sống của nhân dân, của đất nước đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhưng lòng yêu nước, lòng căm thù giặc thì cao đến tột cùng. Người dân Việt Nam ai cũng như ai, không kể già, trẻ, gái trai lớn bé đều muốn đánh giặc cứu nước. Từ ảnh hưởng của cách mạng, của đất nước nên nền giáo dục Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, song Đảng và nhà nước ta vẫn luôn quan tâm đến giáo dục. Giáo dục Xuân Sơn không ngừng được xây dựng và phát triển.         

             Tháng 9 năm 1945, trên cơ sở các lớp vỡ lòng, bình dân học ở các nhà dân, các đình chùa tổ chức lại thành lập nên trường phổ thong cấp I Xuân Sơn, là một trong những trường được thành lập sớm nhất của huyện, song số học sinh ít, học nhờ ở nhà dân, đình chùa. Năm 1954 có 2 lớp 1+2 ghép lại có hơn 20 học sinh. Năm 1955 có 2 lớp 1+2 ghép lại có khoảng 40 học sinh. Từ năm 1956 thực hiện cải cách giáo dục lần thứ hai, tính chất của nền giáo dục mang tính chất của nền giáo dục XHCN nhằm đào tạo thanh thiếu niên thành những người phát triển toàn diện với 4 mặt giáo dục chủ yếu: Đức-Trí-Thể-Mỹ. Năm 1956-1957, trường có đủ 4 lớp (từ lớp 1 đến lớp 4) song số học sinh vẫn rất ít (cả trường có 62 học sinh); 20 học sinh lớp 4, là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp cấp I. Cơ sở vật chất chưa có, vẫn học nhờ ở nhà dân, đình chùa. Từ năm 1957-1964, do nhận thức của nhân dân, số học sinh đi học ngày càng đông, song chủ yếu là lớp 1, 2, 3 còn lớp 4 vẫn rất ít, số học sinh tăng, số lớp tăng có lúc đến 10 lớp, song vẫn học ở đình, chùa, tập trung ở Mễ Sơn, làng Cầm. Từ năm 1964 đến 1975, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhân dân vừa phải xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa phải trực tiếp đánh Mỹ, vừa phải chi viện sức người, sức của cho miền Nam, đời sống nhân dân khó khăn. Song ngoài lòng căm thù giặc, yêu nước vẫn có ý thức hiếu học. Học sinh đi học vẫn đông, có lúc đến 15 lớp hơn 300 học sinh vừa đi học, vừa sơ tán, vừa tránh đạn của giặc Mỹ. Trong thời gian này, thầy và trò khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, về giảng dạy, sách vở, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục ngày 15/8/1968: … “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Thầy trò cũng đã tiễn một số thầy và học sinh lớn tuổi tham gia bộ đội, đánh giặc giải phóng quê hương, có những thầy, học sinh sau này mãi mãi không về nữa như thầy Nguyễn Văn Thấm…         

            Từ năm 1971-1975, do yêu cầu của cách mạng, phù hợp với tình hình thực tế, ngành giáo dục cũng sắp xếp hệ thống quản lý, trường cấp I ghép với trường cấp II thành trường phổ thông cấp I, II. Sau đó lại đổi tên là trường phổ thông cơ sở. Tuy ghép lại để quy mô trường lớn hơn, nhưng cơ sở vật chất vẫn khó khăn đang xây dựng trường chính tại làng Cầm, song là nhà tranh tre, sau đó là nhà cấp 4. Học sinh cấp I do đặc điểm tuổi nhỏ, đi lại khó khăn nên vẫn có học sinh học ở Mễ Sơn, Đông Sơn. Nói tóm lại, giai đoạn 1954-1975, do đất nước còn gặp nhiều khó khăn, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng đất nước. Song được sự quan tâm của Đảng và chính quyền nên sự nghiệp giáo dục vẫn càng ngày càng được duy trì và phát triển. Số lớp, số học sinh tăng dần lên, các thầy, cô giáo khắc phục khó khăn để làm tốt công tác giảng dạy, tập trung giáo dục đạo đức , văn hóa, nề nếp cho học sinh.

Từ 1975 đến nay là giai đoạn đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên CNXH, từ 1975-1986 là giai đoạn còn gặp khó khăn do hậu quả của chiến tranh, phải xây dựng lại cơ sở vật chất cộng với cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục. Từ năm 1986 đến nay, sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế hành chính, quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đất nước như được lột xác, kinh tế bắt đầu phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, đang phấn đấu trở thành một nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Ngay sau khi đất nước được giải phóng, năm 1979 Đảng và Nhà nước đã ra Nghị quyết về cải cách giáo dục và phổ cập giáo dục toàn dân. Do vậy, giáo dục Xuân Sơn đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Riêng giáo dục cấp I số lớp, số học sinh ngày càng tăng, duy trì ở mức độ 15-20 lớp với 400-500 học sinh. Thầy và trò tập trung phong trào thi đua "Hai tốt" đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thể thao. Nhiều thầy cô giáo đã phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, cải tiến đồ dùng dạy học, nhiều học sinh đã đạt thành tích cao trong thi học sinh giỏi. Đặc biệt, phong trào bơi lội xã Xuân Sơn đã được Tổng cụ TDTT công nhận là xã "Toàn dân bảo vệ ANTQ, toàn dân biết bơi". Từ năm 1986 đến nay, khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, sự nghiệp giáo dục của trường cũng đi vào một trang sử mới, đặc biệt từ năm 1994 tách trường Trung học cơ sở thành trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở. Trường Tiểu học Xuân Sơn đã tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, chủ yếu sau: Tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị: Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền, đặc biệt là hội Việt Mỹ và gia đình thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ công an, trường Tiểu học Xuân Sơn đã được ngôi trường hai tầng mới, trang thiết bị giảng dạy, thực hành thể dục thể thao. Duy trì số lớp, số học sinh: do Đảng và Nhà nước thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch cùng với luật phổ cập giáo dục nên số lớp và học sinh được duy trì, ổn định từ 17-20 lớp với 400 học sinh. Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên, học sinh giỏi, thi "vở sạch, chữ đẹp", đẩy mạnh phong trào thể thao, đặc biệt là môn bơi lội truyền thống của địa phương. Do vậy, thời kỳ này là thời kỳ phát triển của trường Tiểu học Xuân Sơn.                 

      56 năm trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau với các tên gọi khác nhau. Song được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các cấp quản lý giáo dục, cùng với sự cố gắng của thầy và trò, trường Tiểu học Xuân Sơn ngày càng phát triển và trưởng thành. Trường Tiểu học Xuân Sơn đang phấn đấu để đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2 - là một trong những điểm sáng của giáo dục huyện Đông Triều.

 

                                                        HIỆU TRƯỞNG

 


                                                                           Nguyễn Thị Hiền